Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn đau đáu tìm kiếm người tài đức, thành tâm trân trọng và sử dụng họ phục vụ cho nhân dân, cho đất nước. Với trường hợp Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Chí Minh đã rất kiên trì, kiên quyết để mời Cụ tham gia và đảm nhiệm vị trí quan trọng trong Chính phủ liên hiệp. Và có lẽ, chỉ có Hồ Chí Minh mới đủ tầm, tâm, trí để quy tụ được Huỳnh Thúc Kháng – một bậc chí sĩ “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”, cũng đã từng nhiều lần từ chối những lời mời gọi hợp tác. Tham gia Chính phủ Liên hiệp ở tuổi 70 “xưa nay hiếm”, Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng, trong thời điểm vận mệnh dân tộc đứng trước tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân.
QUÝ TRỌNG NGƯỜI TÀI
Huỳnh Thúc Kháng và Hồ Chí Minh là hai nhà chính trị, tuy khác nhau về tuổi tác, con đường và cách thức cứu nước nhưng đều là bậc trí thức uyên bác; là những nhà yêu nước nhiệt thành, chân chính; đầy bản lĩnh và khí chất của người lãnh đạo. Thấu hiểu và thấm thía sâu sắc nỗi khổ, nỗi nhục của người dân của đất nước nô lệ, cả hai đã dấn thân, xả thân vì sự nghiệp chung của dân tộc với khát vọng mãnh liệt nhất là giành độc lập dân tộc. Chính những điểm tương đồng về nhân cách và lý tưởng đó đã tạo nên sự giao thoa, gặp gỡ của hai người vốn thuộc hai thế hệ khác nhau, với quan điểm, lập trường, chủ thuyết khác nhau trở thành những người bạn tri kỷ và những người cộng sự đắc lực.
Ngày 2/3/1946, khi trình danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến để Quốc hội chuẩn y, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu cụ Huỳnh là “một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết”(1).
Trong thời gian 1904-1908, tư tưởng yêu nước ôn hòa của Huỳnh Thúc Kháng thể hiện ở việc cổ động tân học, đả phá khoa cử, gọi thương gia, thân hào lập các hội thương, công, nông… Năm Mậu Thân 1908, sau vụ chống thuế của nhân dân Trung Kỳ mà Quảng Nam là điểm khởi phát, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt rồi bị đày ở Côn Đảo – như lời Cụ nói “là trường học thiên nhiên” mà “mùi cay đắng trong ấy, làm trai giữa thế kỷ XX này không thể không nếm cho biết”(2) suốt 13 năm (1908-1921) mới được trả tự do. Sau khi ra tù, thực dân Pháp và chính phủ Nam triều mua chuộc khôi phục hàm Tiến sĩ Hàn lâm viện Biên tu, mời ra làm việc tại Bác cổ viện (Huế), nhưng Huỳnh Thúc Kháng một mực từ chối, ở lại quê nhà đọc sách, làm báo. Năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng ứng cử vào Viện dân biểu Trung kỳ với mong muốn sẽ mở rộng quyền dân chủ của người dân, lên án, đả kích những hành động ức hiếp, tham lam, độc đoán của bọn thống trị. Trong ba năm hoạt động với vai trò Viện trưởng, Huỳnh Thúc Kháng đã cùng nhóm dân biểu tiến bộ ra sức đấu tranh đòi ban bố Hiến pháp; nêu yêu cầu phải trao thực quyền cho viện dân biểu để không mang tiếng là “tên là nhân dân đại biểu mà thật là một quan trường mới”; thi hành chính sách giáo dục bắt buộc và cho tự do lập trường học, cải cách hệ thống tư pháp, xét xử để người Việt Nam có nhiều quyền bình đẳng hơn…
Quan điểm nổi bật của Huỳnh Thúc Kháng là đề cao tinh thần “dân chủ pháp quyền”, bài trừ chế độ quân chủ, xây dựng thể chế dân chủ, thực hiện dân quyền trong đó trước hết quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng cho nhân dân. Đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam bấy giờ, đó là những quan điểm hết sức mới mẻ và tiến bộ, góp phần thức tỉnh tinh thần dân tộc, ý thức dân chủ ở nước ta đầu thế kỉ XX. Những quan điểm tiến bộ đó dù mang xu hướng ôn hòa đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của Nam triều và chính quyền thực dân. Như người “bừng tỉnh giấc mơ”, Huỳnh Thúc Kháng đã xin từ chức cuối năm 1928, trước khi hết nhiệm kỳ chứ nhất định không chịu làm con rối để chúng giật dây.
Huỳnh Thúc Kháng là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng của đất Quảng Nam (được người đời xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa). Tuy học hành đỗ đạt, song Cụ không ra làm quan, bởi Cụ đã nhìn thấu rõ sự mục ruỗng, thối nát trong bộ máy phong kiến. Huỳnh Thúc Kháng là một trong ba sĩ phu lãnh đạo phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ. |
Năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng sáng lập tờ báo “Tiếng Dân” với mong muốn “trở thành một cơ quan giáo dục nhằm đào tạo một con người biết thương nước yêu nòi, biết căm thù cướp nước và bán nước, biết thương yêu đùm bọc nhau trong lúc hoạn nạn”, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo này tại Huế cho đến khi tờ báo bị đình bản vào năm 1943. Sau khi xâm lược Đông Dương, phát xít Nhật cho người đến gặp Huỳnh Thúc Kháng mua chuộc, dụ dỗ nhưng bị Cụ cự tuyệt. Sau đó, hai lần, “Quốc trưởng” Bảo Đại cử Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe đến mời Huỳnh Thúc Kháng tham gia nội các của Bảo Đại đều bị Cụ từ chối. Cụ còn khuyên Bảo Đại nên thoái vị và giao quyền cho nhân dân, bởi “Hiện trên thế giới ngày nay, chế độ quân chủ đã lỗi thời. Riêng ở Việt Nam chúng ta, trong con mắt dân chúng lại càng không nên duy trì lắm. Ngài giao quyền lại cho dân, hoạ may sẽ có những vị anh hùng trong đồng quê núi thẳm xuất đầu lộ diện làm nên việc cũng chưa biết chừng. Và như thế, riêng phần ngài cũng tự tỏ mình là người thức thời vậy”(3). Bên cạnh đó, Huỳnh Thúc Kháng còn cổ suý cho chủ nghĩa dân chủ với chủ trương liên hiệp hết thảy quốc dân đồng bào, đoàn kết tất cả các đảng phái, tôn giáo, giai cấp để “ra sức phụng sự Tổ quốc”.
Cảm phục trước chí khí, tài trí của các Nho sĩ yêu nước đã dám từ bỏ tư tưởng tôn quân vốn ăn sâu, trở thành “thâm căn cố đế” để tiếp thu cái mới, cái tiến bộ khai sáng cho dân tộc; từ bỏ địa vị và danh vọng để dấn thân trong cuộc đấu tranh gian khổ với kẻ thù nên sau khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và kiên trì thuyết phục mời Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ mới. Người đã gửi hai bức điện mời Huỳnh Thúc Kháng ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ban đầu, Cụ từ chối vì chưa biết Hồ Chí Minh là ai và khi cách mạng hy sinh gian khổ thì mình chẳng đóng góp gì, nay thắng lợi rồi thì mình ra hưởng thụ, nhưng lần hai thì Cụ đồng ý ra Hà Nội gặp Bác để trao đổi. Tại cuộc gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích khó khăn tình hình đất nước, cần các bậc chí sĩ cần chung vai gánh vác việc nước với toàn dân và tha thiết mời “Trên con đường tranh đấu giành độc lập, cụ đã đi được 99 dặm, chỉ còn 1 dặm nữa. Xin cụ đừng thoái thác, cụ vui lòng giúp tôi”(4). Trong thời gian một tuần lễ được gặp gỡ trực tiếp với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm được trí, cái nhân của Người và được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, người mà trước đó Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã đặt vào rất nhiều kỳ vọng, Huỳnh Thúc Kháng nhận lời ra tham gia Chính phủ với tâm nguyện “làm quan thì tôi không làm, nhưng làm đầy tớ cho dân thì tôi xin nhận”.
Có thể nói, giữa thời khắc lịch sử của vận mệnh quốc gia, mặc dù đã ở tuổi 70, không có nhiều cảm tình với cộng sản từ trước, nhưng với tấm lòng vì dân, vì nước; vì sự kính nể và trước nhiệt tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ và trở thành người bạn, người cộng sự tri kỷ của Người, có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này. Huỳnh Thúc Kháng là nhân vật tạo nên cái “gạch nối” lịch sử gắn kết phong trào yêu nước của các chiến sĩ Duy tân với phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một trong những trường hợp tiêu biểu nhất, thể hiện sinh động tư tưởng trọng dụng hiền tài để góp sức công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của Hồ Chí Minh, như Người đã viết "Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(5).
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện
SỬ DỤNG NGƯỜI TÀI PHỤC VỤ TỔ QUỐC, PHỤC VỤ ĐỒNG BÀO
Vào thời điểm nền độc lập non trẻ của dân tộc đang đứng trước những thử thách ngàn cân treo sợi tóc của họa ngoại xâm và sự phá hoại của các thế lực phản cách mạng bên trong thì với uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục được Huỳnh Thúc Kháng ra tham chính và chính uy tín của Huỳnh Thúc Kháng lại đóng góp đắc lực và trở thành biểu tượng của khối đoàn kết dân tộc, góp phần đập tan âm mưu phá hoại của kẻ thù. Vượt qua sự khác biệt về quan điểm chính trị, tham gia Chính phủ mới, chưa một lần từ chối bất cứ cương vị, trọng trách, nhiệm vụ nào mà Hồ Chí Minh giao phó, Huỳnh Thúc Kháng lại một lần nữa dấn thân phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào, như lời Cụ nói với Hồ Chí Minh: “Nếu Cụ thấy ba chữ Huỳnh Thúc Kháng còn có chỗ dùng với Tổ quốc, đối với quốc dân đồng bào, thôi thì xin hiến cho Cụ dùng”(6).
“Dụng nhận như dụng mộc” – đó là cách mà Hồ Chí Minh thường nói về sử dụng cán bộ, sử dụng con người phụng sự cho cách mạng. Với trường hợp Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện, thuyết phục và sử dụng phát huy tốt nhất uy tín, năng lực của người tài đức. Trọng trách đầu tiên mà Huỳnh Thúc Kháng đảm nhiệm trong Chính phủ mới là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong 13 bộ của Chính phủ lâm thời được thành lập ngày 27/8/1945, Bộ Nội vụ được giao thực hiện chức năng tổ chức, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng; bảo đảm an ninh chính trị, trị an và đảm nhiệm một phần chức năng của Chủ tịch phủ; theo dõi điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và điều phối hoạt động của các bộ khác. Đồng chí Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên giữ cương vị Bộ trưởng. Tháng 3-1946, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhận chức vụ mới, chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ do Huỳnh Thúc Kháng đảm trách.
Trên cương vị người đứng đầu Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tiến hành kiện toàn nhân sự và bộ máy của Bộ Nội vụ, ban hành nhiều nghị định, thông tư, hướng dẫn để hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của chính quyền cách mạng, chế độ công chức, công vụ, bảo đảm an ninh trật tự trị an. Đóng góp quan trọng nhất của Bộ Nội vụ trong thời kỳ này là đã khẩn trương xây dựng, củng cố, bảo vệ thành công hệ thống chính quyền cách mạng; xây dựng nền móng chế độ mới, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh nội lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Bên cạnh nhiệm vụ phụ trách Bộ Nội vụ, Hồ Chí Minh còn mời Huỳnh Thúc Kháng tham gia công tác ngoại giao, như cử Cụ vào Ủy ban nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Hội nghị Fontainebleau (22/5/1946), cùng Người tiếp khách nước ngoài nhất là với các tướng lĩnh Trung Hoa Dân quốc … qua đó tạo nên sự vị nể của các phái đoàn đối với chính phủ và đất nước Việt Nam. Điều này về sau được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại: “Chính phủ ta có vị tiến sĩ văn chương, chúng (Lư Hán, Tiêu Văn – TG) cũng trọng”(7).
Ngày 27/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) được thành lập. Huỳnh Thúc Kháng được bầu làm Hội trưởng, Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự. Trong điều kiện Mặt trận Việt Minh có những hạn chế trong việc quy tụ, đoàn kết các tầng lớp trên tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Hội liên hiệp quốc dân mà Huỳnh Thúc Kháng làm Hội trưởng đã nhanh chóng khoả lấp khoảng trống đó.
Đặc biệt, với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 82 ngày 29/5/1946 ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch Chính phủ trong thời gian thực hiện chuyến công du sang Pháp đã khẳng định về sự trọng thị, tín nhiệm tuyệt đối của Người với Huỳnh Thúc Kháng. Đó không phải là hành động sách lược tạm thời hay chỉ là việc làm để thu hút các lực lượng không cộng sản đi theo cách mạng. Ẩn chứa trong đó là cả một tư duy chính trị sắc sảo, tầm nhìn và bản lĩnh của nhà lãnh đạo tài ba khi lựa chọn một người không phải đảng viên đảng cộng sản đảm nhiệm vi trí đứng đầu Nhà nước. Có thể nói, trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước khi đó thì sự ủy nhiệm đó là logic và hợp lý nhất. Bởi trong bối cảnh năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy không ai đủ tư cách hơn Huỳnh Thúc Kháng, nhà chí sĩ lão thành không đảng phái, đức độ và khẳng khái; không ai hiệu quả hơn cụ Huỳnh - con người mang đậm cốt cách dung hoà trong việc quy tụ, đoàn kết các đảng phái, các tầng lớp khác nhau trong xã hội, nhất là những người thuộc tầng lớp trên, vốn chịu ảnh hưởng tư tưởng dân chủ tư sản, lại chưa hiểu nhiều, thậm chí còn ác cảm về đảng Cộng sản và con đường cách mạng do những người cộng sản lãnh đạo.
Trước ngày đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh có dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng mấy câu tâm huyết: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến”(8).
Đáp lại sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng đã có những xử lý đúng đắn, sáng suốt trong việc điều hành bộ máy Nhà nước, giải quyết được nhiều khó khăn trong các vấn đề nội trị và ngoại giao. Nắm vững tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Huỳnh Thúc Kháng đã hành động một cách cương quyết nhưng khéo léo, chỉ đạo lực lượng của ta trấn áp bọn phản cách mạng không chỉ vụ án ở phố Ôn Như Hầu mà tiêu diệt toàn bộ quân đội của Việt Quốc, Việt Cách từ Vĩnh Yên cho đến Yên Bái, Lào Cai. Đến khi Hồ Chí Minh về thì mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa. Việc xử lý kiên quyết và sử dụng bạo lực cách mạng trong trường hợp cần thiết là một sự thay đổi lớn trong con người vốn có tính cách dung hoà, theo chủ thuyết cải lương, thậm chí đã từng bị đánh giá là “bất bình với đế quốc, nhưng sợ phong trào cách mạng”(9). Có thể nói làm việc với Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng không chỉ được đóng góp nhiều nhất trí tuệ và sức lực cho dân tộc mà chính bản thân Cụ đã có những thay đổi lớn về quan điểm, về phương pháp phù hợp với tình hình cách mạng.
Nhận thức rõ một trong những cái “bất biến” lớn nhất, quan trọng nhất của cách mạng là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đối phó với âm mưu chia rẽ của bọn phản động và sự chia rẽ trong nội bộ, ngày 15/7/1946, Huỳnh Thúc Kháng tổ chức cuộc họp báo tại Hà Nội nhằm khẳng định lập trường, nguyên tắc đoàn kết với các tổ chức, đảng phái. Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng chỉ rõ:
“1. Sự đoàn kết là cần nhưng đoàn kết là cốt hợp lực lượng để kiến thiết, để ủng hộ ngoại giao, nói chung là để xây dựng nền dân chủ cộng hòa, nhưng không thể vin vào hai chữ đoàn kết mà làm những việc phi pháp.
2. Đối với Việt Nam quốc dân Đảng thì tôi thiết tưởng những anh em đảng viên chân chính Việt Nam Quốc dân Đảng sẽ theo truyền thống nhà chí sĩ Nguyễn Thái Học, nghĩa là vì quốc vì dân.
Chính phủ và riêng tôi bao giờ cũng bảo đảm sự tự do hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng trong vòng pháp luật”(10).
Chính sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đó đã giữ vững chính quyền cách mạng và nền độc lập non trẻ trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang nước Pháp và là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Những nỗ lực của cụ Huỳnh đã được Hồ Chí Minh ghi nhận: “trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh, … mà đã giải quyết được nhiều khó khăn”(11).
Năm 1947, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn hăng hái đảm nhận nhiệm vụ thay mặt Chính phủ Trung ương và Mặt trận Liên Việt đi kinh lý các tỉnh Trung Bộ để thăm hỏi đồng bào và giải thích rõ cho nhân dân về đường lối kháng chiến kiến quốc của Trung ương, đồng thời vận động nhân dân tích cực chuẩn bị cho công cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên đường công tác, cụ Huỳnh lâm bệnh nặng. Biết mình khó qua khỏi, Cụ đã gửi bức điện cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời vĩnh biệt “Chào vĩnh quyết”. Cả cuộc đời một con người “không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. … chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”(12) đã cống hiến trọn vẹn cho dân tộc và tỏa sáng rực rỡ nhất, đóng góp nhiều hơn hết thảy trong thời gian ngắn ngủi tham gia Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Trân trọng người tài đức, dùng người tài đúng theo năng lực, phẩm cách của họ đồng thời cải biến con người để họ được phát huy cao nhất, đóng góp nhiều nhất; khi đã dùng người thì đặt trọn niềm tin vào họ với tấm lòng rộng mở, không định kiến, thiên kiến; xóa dần sự khác biệt, cách biệt để có sự thống nhất, hợp tác thực tâm và hiệu quả vì việc dân, việc nước... Đó sẽ luôn là bài học quý giá về sử dụng nhân tài mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ cán bộ lãnh đạo, điển hình qua trường hợp cụ Huỳnh Thúc Kháng. |
-----
(1) (5) (11) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 221, 114, 467, 142.
(2) Huỳnh Thúc Kháng: Thi tù tùng loại, Nxb. Nam Cường, Sài Gòn, 1951, tr.21.
(3) Chương Thâu: Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Nxb. Đà Nẵng, 1989, tr. 29
(4) (6) (7) (8) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, H, 1997, tr.196, 197, 184, 55.
(9) Kỷ yếu hội thảo khoa học Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, Nxb. Đà Nẵng, 1993, tr. 26.
(10) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, Quyển I (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2006, tr.513-514.
TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo https://www.tuyengiao.vn
Hãy để lại bình luận, câu hỏi của bạn bên dưới